Phát triển bền vững cho ngành công nghiệp giày dép Việt Nam

04/02/2020 | Banuli

Tháng 4/2017 vừa qua, Sở Công Thương, Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam và Hội Da Giày TP.HCM đã cùng ngồi lại để tiếp thu và ghi nhận các góp ý điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp da giày Việt Nam tầm nhìn tới 2035 sau 5 năm triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển ngành da giày Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 theo Quyết định số 6209/QĐ-BCT. 

Theo mục tiêu đã đặt ra, kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày Việt Nam đến năm 2020 sẽ từ 25 - 27 tỷ USD, 5 năm sau nữa (2025) là 35 - 37 tỷ USD và năm 2035 đạt 55 - 60 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu bình quân trong giai đoạn 2016 - 2020 tăng trưởng từ 10 - 11%/năm. Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam dự báo, năm 2017, sản xuất của ngành sẽ tăng trưởng cao hơn 5% so với năm 2016, và kim ngạch xuất khẩu đạt gần 18 tỷ USD, tăng trên 10%.

giay-da-nam

Đến năm nay 2017, một số mục tiêu và chỉ tiêu đã và đang được thực hiện khá tốt so với mục tiêu Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp da giày Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 được Bộ Công Thương phê duyệt vào năm 2010. Cụ thể, quy hoạch ngành theo hướng mở với việc cơ bản hoàn thành việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, liên doanh, liên kết với mọi thành phần kinh tế đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong ngành phát triển mạnh. Năng lực sản xuất của ngành được nâng cao nhờ đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ tiên tiến, xây dựng thêm các nhà máy mới với quy mô lớn, sản phẩm phong phú, chất lượng ngày càng được cải thiện, đáp ứng một phần nhu cầu tiêu dùng trong nước và tham gia xuất khẩu với số lượng ngày càng tăng. Hầu hết các công ty sản xuất giày đã ứng dụng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO 9000, ISO 14000, SA 8000, đồng thời thực hiện tốt trách nhiệm xã hội.

Theo báo cáo, Việt Nam nằm trong Top 4 nước sản xuất giày dép lớn nhất thế giới về số lượng đến hết năm 2016 (top 3 bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil), nhưng lại là nước xuất khẩu đứng thứ 3 trên thế giới về trị giá (sau Trung Quốc và Ý). Đến nay, ngành công nghiệp da giày vẫn duy trì vị trí là ngành công nghiệp xuất khẩu mũi nhọn, góp phần tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho xã hội. Hiện nay tổng số lao động làm việc trong ngành này là hơn 1,1 triệu người. 

giay-da-nam

Tuy nhiên, có một vấn đề nan giải là phương thức sản xuất của ngành vẫn chủ yếu là gia công. Nguyên nhân chính là do các xưởng sản xuất giày da gặp quá nhiều khó khăn khi chuyển sang hình thức tự sản xuất. Trong đó, phần lớn nguyên vật liệu vẫn phải nhập khẩu, sản phẩm chưa có thương hiệu trên thị trường xuất khẩu và ngay ở thị trường nội địa cũng bị cạnh tranh gay gắt bởi hàng ngoại nhập. Ngoài ra, trình độ của đội ngũ cán bộ kỹ thuật còn non yếu trong việc tự thiết kế mẫu mã sản phẩm, thâm nhập chiếm lĩnh thị trường. Việc xây dựng khu công nghiệp chuyên ngành, nhất là khu công nghiệp chuyên ngành thuộc da, chưa thực hiện được do khó khăn về vốn, địa điểm vì nhiều địa phương không chủ trương phát triển ngành da giày.

Để có thể nâng tầm lên tự sản xuất đòi hỏi các cơ sở sản xuất giày dép phải cùng tham gia thiết kế sản phẩm để có năng suất cao hơn, đảm bảo thời gian sản xuất ngắn nhất. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn phục vụ cho mục tiêu đổi mới máy móc, thiết bị. Nếu không thể làm đại trà thì có thể khoanh vùng theo thứ tự để thực hiện. Hiện nay ý thức kỷ luật của người lao động còn thấp vì thế khó tăng năng suất lao động cho nên một vấn đề rất quan trọng là phải rèn luyện tính kỷ luật cho người lao động trong ngành da giày.

Xem thêm tình trạng phát triển của ngành da giày Việt Nam tại https://banuli.vn/tinh-trang-phat-trien-cua-nganh-giay-da-viet-nam.html

Tag :