Tìm hiểu về da thuộc - chất liệu làm nên giày da nam cao cấp
Đồng hành cùng những đôi giày da cao cấp hàng ngày nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi về chất liệu làm nên một đôi giày da chưa? Rằng tại sao chúng lại sở hữu độ bền cao, chất da mềm mại, và một vẻ đẹp thời trang như vậy? Bạn đã từng nghe về cụm từ "da thuộc" nhưng chưa hiểu rõ về nó? Hãy cùng tôi tìm hiểu những thông tin sơ bộ về loại chất liệu làm giày cao cấp này nhé!
Da thuộc là gì?
Da thuộc là một dạng vật liệu bền và dẻo được tạo thành thông qua quá trình thuộc da từ da động vật như da bò, trâu, dê, cừu non, nai, cá sấu, đà điểu… Da thuộc được sản xuất bằng nhiều phương pháp khác nhau, từ quy mô cá thể đến quy mô công nghiệp, từ quy mô lớn đến nhỏ, từ thô sơ cho đến cầu kỳ. Việc sử dụng da động vật làm vật liệu trong may mặc đã có từ thời cổ đại và rất phổ biến. Tuy nhiên, mãi về sau da thuộc mới được ưa chuộng. Con người tạo ra nhiều sản phẩm khác nhau từ da thuộc bao gồm quần áo, mũ, ví, thắt lưng, huy hiệu, bìa bọc sách, giấy da và bọc các đồ đạc trong nhà. Da thuộc cũng là vật liệu chủ yếu mà các nhà sản xuất giày dép sử dụng để làm nên những đôi giày da hàng hiệu.
Các công đoạn thuộc da
Để tạo ra da thuộc phải trải qua giai đoạn sơ chế chuẩn bị cho tấm da sạch, mềm, và dễ thẩm thấu các chất hóa học (hay tự nhiên) sẽ được sử dụng để biến tấm da sống thành da thuộc để dùng trong thời trang, may mặc, và các ngành công nghiệp khác. Trước tiên, da động vật được lóc cẩn thận khỏi các thớ thịt và mỡ, rồi được phân loại cẩn thận theo chủng loại da và chất lượng. Sau đó da được ngâm để giũ sạch các chất bẩn. Tiếp theo, một loại vôi nước được sử dụng để tẩy lông đồng thời loại bỏ một số chất đạm, sợi trong da và thay đổi ít nhiều cấu trúc của da, để da thẩm thấu tốt hơn những hóa chất sẽ được sử dụng trong công đoạn kế tiếp.
Tùy theo nơi sản xuất, các chất hóa học hay các chiết xuất từ thiên nhiên sẽ được sử dụng để làm da mềm hơn, dai bền hơn, chống thấm nước tốt hơn, và giữ da không bị thối rữa theo thời gian. Tiếp theo, da được phơi ráo nước, bôi dầu, phơi khô, nhào cho mềm và đều dầu, cán phẳng, và nhuộm màu theo nhu cầu. Tùy vào nơi sản xuất mà từ đó quyết định chất lượng, tuổi thọ, độ mềm dẻo của da. Da sau khi nhuộm và thuộc sẽ có màu sắc khác nhau. Như vậy, công nghệ thuộc da có thể xử lý các loại da thú trở nên mềm mại, bền đẹp và dẻo dai. Trải qua quá trình xử lý hóa học (hoặc tự nhiên), da thú trở thành da thuộc.
Xem thêm tính chất các loại da thuộc tại đây https://banuli.vn/tinh-chat-cac-loai-thuoc-da.html
Một số loại da thông dụng
Da bò là loại da phổ biến nhất trên thị trường hiện nay. Da bê non có vân mịn, trọng lượng nhẹ, chủ yếu để làm những loại giày cao cấp và ví, túi xách sang trọng. Da dê dù già hay non đều rất mịn. Da ngựa thường dùng làm giày, áo da và các dụng cụ thể thao. Da lợn được lấy từ những con lợn đã trưởng thành. Da chuột túi – bền nhất trong các loại da thú – được sử dụng làm giày và gậy chơi bóng. Da cá sấu dùng làm giày, túi xách, ví tiền và vali.
Các phương pháp thuộc da
Da thuộc bằng Crom: phương pháp này được sáng chế năm 1858, sử dụng Cr2(SO4)3 và 12(H2O) và các loại muối Crom khác. Phương pháp này giúp da trở nên mềm, dẻo hơn và không bị mất màu, mất kiểu dáng như phương pháp da thuộc thực vật. Phương pháp này tạo ra sản phẩm có màu xanh do có Crom và cũng tạo ra được nhiều màu khác. Phương pháp thuộc da này hiện nay phổ biến nhất bởi vì nó mất chỉ khoảng một ngày để hoàn thành.
Ngoài ra còn các phương pháp thuộc da khác như da thuộc thực vật, da thuộc bằng Anđêhit, da thuộc bằng Fomanđêhit,...
Vì quá trình thuộc da khá phức tạp nên các xưởng sản xuất giày da hiện nay đều nhập khẩu da thuộc về để chế tạo giày, rất ít xưởng có thể tự thuộc da được bởi vấn đề thiếu thốn máy móc.