Tự chủ nguyên liệu sản xuất - phát triển bền vững cho ngành da giày Việt Nam

04/02/2020 | Banuli

Thị trường tiêu thụ ngành da giày Việt Nam mấy năm gần đây diễn ra rất mạnh mẽ, nhu cầu sử dụng trong nước và các thị trường lớn như Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc ngày càng tăng. Hơn nữa, các đơn hàng gia công cho các thương hiệu giày lớn trên thế giới ồ ạt đồ về các doanh nghiệp da giày. Nhưng ngày càng nhiều doanh nghiệp sản xuất da giày buộc phải cắt giảm nhân công, thậm chí đóng cửa các nhà máy và ngừng hoạt động. Vậy lý do cho tình trạng này là gì?

giay-da-nam

Cách doanh nghiệp trong ngành da giày Việt Nam đang chất vật tìm kiếm địa điểm đầu tư để xây dựng nhà máy sản xuất da thuộc và chỉ nhuộm. Từ năm 2008 đến nay, không có đầu tư mới, hầu hết các địa phương đều từ chối các dự án lĩnh vực thuộc da bởi lo ngại ô nhiễm môi trường. Duy nhất tỉnh Tiền Giang kêu gọi đầu tư vào ngành thuộc da, nhưng chỉ ưu tiên thuộc da cá sấu. Một số doanh nghiệp tìm được địa điểm đặt nhà máy, nhưng vốn đầu tư quá lớn bởi vì tiền thuê đất bị đội giá lên cao do địa phương không mấy "mặn mà" với ngành công nghiệp thuộc da và phải đầu tư vào hệ thống công nghệ xử lý nước thải để đảm bảo môi trường, nên doanh nghiệp chưa thể thực hiện ngay bởi vượt quá khả năng.

Theo Hiệp hội Da giày Việt Nam ước tính, tổng sản lượng da nguyên liệu đáp ứng cho nhu cầu sản xuất và xuất khẩu từ 230 - 260 ngàn tấn trên năm. Tuy nhiên, chỉ 30% sản lượng là da thuộc nội địa, còn lại các công ty sản xuất giày dép phải nhập từ nước ngoài như Hàn Quốc, Ý, Thái Lan, Trung Quốc. Song với mức tăng kim ngạch ngành sản xuất giày dép đạt tốc độ trung bình khoảng 12 - 15% trên năm, nếu ngành không đầu tư mới hoặc tự chủ sản xuất ở lĩnh vực da thuộc thì năng lực đáp ứng nhu cầu sản xuất và xuất khẩu sẽ tiếp tục giảm xuống.

giay-da-nam

Kim ngạch xuất khẩu ngày càng tăng đồng nghĩa với việc Việt Nam nhập khẩu ngày càng nhiều nguyên liệu da giày. Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại đạt 12,1 tỉ USD, nhập khẩu nguyên liệu gần 1 tỉ USD, tăng 49% so với năm 2015. Theo các chuyên gia kinh tế, sản lượng nhập khẩu này đi kèm giá trị gia tăng sản xuất trong nước nên không khẳng định được năng lực của ngành da giày Việt Nam, nghĩa là làm được đến đâu, bán ra thị trường đến đấy. Với vị thế yếu trên thị trường thế giới, ngành da giày sẽ phụ thuộc sâu hơn vào nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài, trong khi đó cơ cấu thương mại và sản xuất lại chậm thay đổi, tụt hậu hơn so với các nước khác. Nguyên nhân ở đây là do các chủ xưởng sản xuất giày dép vẫn hài lòng với tình trạng gia công hiện tại nên không chịu cải thiện. 

Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thực sự là cơ hội để ngành da giày thúc đẩy xuất khẩu bởi thuế bình quân giảm từ 17% xuống còn 0%. Cùng với các ưu đãi, các hiệp định thương mại FTA đều khuyến khích phát triển sản xuất và chuỗi cung ứng nội khối, tránh đem lại lợi ích cho các nước không phải thành viên. Tức là, nguyên phụ liệu phải được sản xuất tại một nước thành viên hoặc nhập từ các nước cùng tham gia trong khối. Đón bắt xu thế này, một số doanh nghiệp da giày của nước ngoài đã đến Việt Nam tìm cơ hội đầu tư.

Như vậy, Việt Nam không còn cách nào khác là phải tự chủ nguồn nguyên phụ liệu trong nước, chủ động thay đổi chuỗi cung ứng hiện tại để sản xuất xuất khẩu. Tuy nhiên, những vấn đề của ngành da giày được đặt ra từ quy hoạch năm 2000-2010, tầm nhìn 2015, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được. Chẳng hạn như, đến nay Việt Nam cũng chưa thực hiện được kế hoạch quy hoạch tổng thể phát triển ngành thuộc da gắn với chăn nuôi lớn, chủ trương lập hai khu công nghiệp chung ở hai miền Nam và Bắc, chuyên sản xuất nguyên liệu da giày, có nhà máy xử lý nước thải...

Tóm lại, để phát triển bền vững ngành da giày, các nhà máy sản xuất phải tìm cách đầu tư và phát triển nguồn nguyên liệu sản xuất, giảm bớt tỉ lệ nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài, nâng cao chất lượng và vị thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Muốn vậy, các doanh nghiệp da giày phải chủ động thay đổi mình để chớp lấy những cơ hội vàng từ các hiệp định thương mại.

Xem thêm Năng suất lao động ngành giày da Việt Nam tăng không đáng kể https://banuli.vn/nang-suat-lao-dong-nganh-giay-da-viet-nam-tang-khong-dang-ke.html

Tag :