Ngành giày dép thế giới đang dần dịch chuyển về Việt Nam: Cơ hội hay thách thức?

04/02/2020 | Banuli

Việt Nam hiện nay được đánh giá là cái rốn của ngành da giày thế giới khi mà các doanh nghiệp Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ đang tấp nập với các dự án đầu tư mới tại Việt Nam bằng việc mở rộng đầu tư nhà máy, dây chuyền sản xuất. Có không ít kỳ vọng gia tăng đơn hàng sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất da giày Việt Nam có thêm nhiều cơ hội kinh doanh. 

giay-da-nam

Doanh nghiệp ngành da giày FDI tiếp tục đổ về Việt Nam dù khối này đang chiếm hơn 80% thị phần của ngành trên tổng số 600 nhà máy đang có mặt tại Việt Nam. Các doanh nghiệp Mỹ cho biết, họ đang muốn chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc, thay vì tập trung 75% đơn hàng tại quốc gia này theo kế hoạch đến năm 2020 bởi Trung Quốc đang lạm phát cao, lương tối thiểu tăng mạnh, cũng như áp lực phải chi trả cho người lao động nghỉ hưu đang có chiều hướng ngày càng tăng cao. Trong khi đó, Việt Nam hội tụ đủ yếu tố như tỷ giá ổn định, lương tối thiểu thấp, dân số trẻ, nhưng năng suất lao động có thể so sánh với các nước trong khu vực, giúp các doanh nghiệp nước ngoài khắc phục được những khó khăn trước mắt.

Theo Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), xu hướng chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc vào Việt Nam đang gia tăng ngày một rõ nét, ước tính tỷ lệ dịch chuyển hiện nay là 20%, cao hơn cùng kỳ năm 2016. Riêng nửa đầu năm 2017, các thương hiệu như Nike, adidas, Puma đã chuyển lượng lớn đơn đặt hàng từ Trung Quốc và Bangladesh sang nhà máy của Việt Nam. Không chỉ các thương hiệu lớn này, Tập đoàn Target Sourcing Services, một trong 10 nhà phân phối lớn nhất thế giới, và Tập đoàn Dansu cũng đã khảo sát và có ý định mở rộng, đầu tư vào Việt Nam.

Theo đó, giá nhân công và các chi phí về môi trường tại Trung Quốc đang được xem là một trong những lý do khiến nhiều thương hiệu lớn muốn di dời một số dây chuyền sản xuất sang các nước ở Khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

giay-da-nam

Tuy nhiên, thực tế, Công ty TNHH Pouchen Việt Nam, đang gia công cho khoảng hơn 20 các nhãn hàng giày lớn nhỏ trên thế giới trong đó có Adidas, Nike, Puma, Reebook..., vẫn chưa có dấu hiệu gia tăng đơn hàng. Pouchen đang có 7 nhà máy đầu tư tại Việt Nam nhưng hiện vẫn chưa thấy có sự gia tăng đơn hàng của các nhãn lớn dù rằng năng lực sản xuất nhà máy vẫn có thể tăng thêm.

Thế nhưng, đơn hàng tăng chưa hẳn đã là điều tốt. Vì thực tế ranh giới giữa lãi và lỗ trong ngành giày rất mong manh, chỉ cần chút sơ hở là hàng hóa rơi vào cảnh tái chế, phải vận chuyển bằng máy bay chi phí đội lên gấn 3 - 4 lần. Nếu doanh nghiệp không chuẩn bị tốt nội lực như phải biết tự thiết kế mẫu, hoặc có khả năng phát triển mẫu trên hình các hãng yêu cầu thì rất khó để tồn tại. Tính đến đầu năm 2107, có hơn một trăm nhà máy tại Việt Nam gia công cho Adidas nhưng hơn 90% trong số này là các công ty Hàn Quốc, Đài Loan... Hầu hết, các đơn vị gia công tập trung chủ yếu ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh. Hiện nay, TP. HCM chỉ khuyến khích những doanh nghiệp trong ngành da giày chuyên về thiết kế mẫu, phát triển mẫu, thay vì thâm dụng nhiều lao động.

Có không ít kỳ vọng gia tăng đơn hàng sẽ giúp công ty sản xuất giày da Việt Nam có thêm nhiều cơ hội kinh doanh. Nhưng thực tế hoàn toàn không phải vậy. Bởi vì, mấy năm trở lại đây, gần như là không có sự hiện diện của các doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi sản xuất của họ. Như phân tích, dù đang có đơn hàng khổng lồ sản xuất tại thị trường Việt Nam nhưng các thương hiệu lớn không tạo nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp da giày của Việt Nam. Vì vậy, việc dịch chuyển đơn hàng giày da của thế giới sang nước ta chưa thể là niềm vui đối với thị trường Việt Nam. 

Về giải pháp, doang nghiệp phải tự thiết kế, hoặc phát triển được mẫu thì mới biết được sản phẩm cần những nguyên liệu gì, nguyên liệu này bán ở đâu. Qua đó, dễ dàng hướng khách hàng lựa chọn những nguyên liệu ở Việt Nam. Ngược lại, sẽ bị chỉ định nguồn nguyên liệu và thông thường là nguyên liệu ở nước ngoài. Doanh nghiệp Việt Nam nên tránh chọn giải pháp cạnh tranh trực diện mà chia ra theo từng phân khúc. 

Như vậy, việc ngành da giày thế giới đang dần dịch chuyển sang Việt Nam chưa chắc đã là niềm vui với các doanh nghiệp nội địa. Do đó, để biến điều này thành một lợi thế, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tìm cách khắc phục và hoàn thiện bản thân hơn rất nhiều để có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.

Xem thêm Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu giày da tại đây https://banuli.vn/sau-trung-quoc-va-italy-viet-nam-dang-dung-thu-3-the-gioi-ve-xuat-khau-giay-da.html

Tag :