Năng suất lao động ngành giày da Việt Nam tăng không đáng kể

04/02/2020 | Banuli

Ngành giày da Việt Nam ngày càng phát triển, mức lương tối thiểu của lao động trong ngành cũng tăng lên hàng năm, tuy nhiên năng suất lao động thì lại tăng lên không đáng kể. Theo ghi nhận, trong 10 năm từ 2007 đến 2017, mỗi năm mức tăng lương tối thiểu đều từ 7-12%, trong khi đó GDP chỉ tăng khoảng 6% một năm và năng suất lao động chỉ tăng 2% một năm. Điều này khiến những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như da giày gặp nhiều khó khăn và phải tìm giải pháp ứng phó như giảm tiền lương mềm, sử dụng máy móc thay thế người lao động.

Tuy nhiên, gốc rễ khó khăn của doanh nghiệp không phải là vấn đề tăng lương mà do ngành sản xuất da giày chủ yếu là gia công xuất khẩu, phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài nên lợi nhuận đem lại quá thấp. Nghịch lý này của ngành da giày đang là một vấn đề nan giải cho các nhà quản  lý để làm sao nâng cao năng lực cạnh tranh cho các công ty sản xuất giày giành lại thị phần trong nước. 

giay-da-nam

Khó khăn

Trong 6 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu giày dép ước tính đạt 7 tỷ USD, tăng 12% so với 2016. Tuy nhiên, hiện nay, thị phần các doanh nghiệp FDI trong ngành da giày chiếm tới 81,3%, áp đảo so với thị phần các doanh nghiệp Việt Nam (18,7%). Các doanh nghiệp nội địa đã phản ánh những khó khăn mà họ đang gặp phải đó vấn đề năng suất lao động không tăng, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất còn chậm do thiếu vốn. Doanh nghiệp FDI ngày càng tăng về số lượng, đồng thời có điều kiện về vốn, công nghệ, nên có thể đẩy mức lương và năng suất cao nhưng đối với những doanh nghiệp Việt Nam đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ thì việc tăng lương mỗi năm cũng là một nỗi lo lớn. 

Thêm vào đó, mức lương có thể phân ra vùng 1, vùng 2, vùng 3, vùng 4 nhưng giá bán mặt bằng chung của thị trường thì không thể phân vùng này bán 1 triệu đồng/đôi giày, vùng khác bán 500.000 đồng/đôi giày được. Ngành giày dép của Việt Nam chủ yếu là lao động thủ công nên năng suất và hiệu quả không cao, tính hấp dẫn không lớn nên việc thu thút lao động ngày càng trở nên khó khăn. 

Giá gia công không tăng trong khi năng suất lao động không cao đang là gánh nặng của các doanh nghiệp chủ yếu làm gia công. Ngoài tiền lương, việc quản lý người lao động cũng khó hơn so với trước kia vì công việc kiếm được dễ dàng hơn nên tinh thần kỷ luật lao động không còn được coi trọng.

Các doanh nghiệp FDI đã tập trung nghiên cứu thay đổi quy trình sản xuất và ứng dụn đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, đặc biệt là tự động hóa ở những khâu cần nhiều lao động như xì, cắt. Nhờ đó năng suất lao động của các doanh nghiệp FDI tăng một cách đáng kể, khoảng 30.000 USD/người/năm. Trong khi đó, năng suất lao động của các doanh nghiệp Việt Nam còn khoảng cách khá lớn, những doanh nghiệp lớn nhất cũng chỉ ở mức 18.000-20.000 USD/người/năm.

giay-da-nam

Giải pháp nâng cao năng suất lao động 

Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, doanh nghiệp cần phải thay đổi về tầm nhìn, phương thức quản lý và quá trình đầu tư. Việc đầu tư này đòi hỏi nhiều vốn nhưng cần thiết vì giúp thay thế được một phần lao động, nâng cao chất lượng và kiểm soát tốt độ đồng đều của sản phẩm. 

Để tạo ra giá trị gia tăng cao, các doanh nghiệp gia công chỉ cần thay đổi hướng đi, trình độ quản lý, cơ sở hạ tầng đã có, chỉ cần 100-200 lao động nhưng làm giày chất lượng, có thương hiệu, giá trị gia tăng mang lại rất lớn. 

Đưa việc làm về nông thôn, nơi có nguồn lao động dồi dào cũng là một trong những hướng đi mang tính chủ động, bền vững và chiến lược dài hạn mà các doanh nghiệp nội địa nên hướng đến. Điều này không chỉ giúp giải quyết bài toán về lao động, giảm gánh nặng lên đô thị mà còn giúp giải quyết việc làm cho gần 60% lao động nông thôn tạo ra năng suất lao động thấp và đang thất nghiệp. Còn các cơ sở sản xuất giày dép hiện hữu ở các đô thị sẽ trở thành các trung tâm nghiên cứu sản phẩm, phát triển khoa học công nghệ gắn kết với các Viện, các trường để nghiên cứu sát với doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp về khoa học công nghệ. Những thay đổi trụ cột này cơ bản sẽ cải thiện gốc rễ khó khăn của doanh nghiệp. 

Tag :