Cơ hội vàng cho da giày Việt Nam từ các Hiệp định Thương mại tự do

04/02/2020 | Banuli

Da giày Việt Nam không chỉ là một trong những ngành kinh tế thu hút đầu tư lớn từ nước ngoài, mà nó còn là một mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Đặc biệt, các Hiệp định Thương mại tự do đã và đang được Chính phủ tích cực đàm phán với các nước sẽ tạo ra nhiều cơ hội vàng cho ngành da giày Việt Nam phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. 

giay-da-nam

Cơ hội lớn từ các Hiệp định Thương mại tự do

Sau 3 năm, Việt Nam đã từ vị trí thứ 10 trong các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về da giày năm 2014, đã vươn lên vị trí thứ 3, sau Trung Quốc và Brazil về xuất khẩu giày dép. Về thị trường, tình hình xuất khẩu giày dép sang các thị trường truyền thống như Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn rất ổn định và kim ngạch xuất khẩu sang một số thị trường khác như Bỉ, Đức, Ba Lan cũng tăng một cách đáng kể. 

Trong bối cảnh một loạt các hiệp định thương mại quan trọng bắt đầu có hiệu lực, các chuyên gia và chủ công ty sản xuất giày dép đều nhận định, đây chính là những cơ hội lớn cho ngành da giày để phát triển. Ngành da giày Việt Nam đang đứng trước nhiều thuận lợi hơn bao giờ hết nên các doanh nghiệp da giày Việt Nam phải nhanh tay nắm bắt thời cơ để phát triển. Tuy nhiên, các doanh nghiệp phải xác định được vị trí mà mình đang đứng và phải làm từng bước chứ không thể phát triển một cách nhảy vọt. Quan trọng nhất, ngành da giày Việt Nam phải khắc phục được vấn đề về nguyên phụ liệu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa để giảm tối đa các chi phí khác phát sinh.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nước ngoài đang ráo riết triển khai các dự án đầu tư để sớm thụ hưởng những ưu đãi và tăng lợi nhuận từ các hiệp định thương mại tự do. Xu hướng chuyển đơn hàng từ Trung Quốc, Ấn Độ vào Việt Nam là một trong những thuận lợi để phát triển hoạt động xuất khẩu của ngành. Ngày càng nhiều các doanh nghiệp nước ngoài dịch chuyển và đầu tư mở rộng xưởng sản xuất giày dép mới tại Việt Nam. Bằng chứng là các doanh nghiệp da giày Nhật Bản cũng đang đẩy mạnh kế hoạch phát triển sản xuất tại Việt Nam khi mà tỷ lệ những doanh nghiệp Nhật Bản có ý định mở rộng sản xuất tại Trung Quốc giảm từ 73% xuống 57% từ 2010 đến 2013. Cùng khoảng thời gian đó, tỷ lệ này tăng từ 27% lên 30% tại Việt Nam. 

giay-da-nam

Những khó khăn

Mặc dù hưởng nhiều lợi ích từ các Hiệp định Thương mại tự do, nhưng ngành da giày Việt Nam trên thực tế vẫn còn lúng túng trong việc tạo lập một thế đứng vững chắc, trong đó có yếu tố tỷ lệ nội địa hóa thấp, chưa tự chủ được nguyên phụ liệu, các doanh nghiệp trong nước chưa có chỗ đứng vững chắc tại thị trường nội địa... Theo thống kê của Lefaso, tỷ lệ nội địa hóa của ngành mới chỉ chiếm 40-45% và chủ yếu là đế giày và chỉ khâu, trong đó hơn 70% nguyên liệu quan trọng nhất là da thuộc và da nhân tạo vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài. Ngành da giày mới chỉ chủ động được khoảng 30% nguyên liệu da thuộc thành phẩm, mỗi năm nhập khẩu từ 1,2-1,5 tỷ USD da thuộc cho hoạt động xuất khẩu giày dép.

Ngành da giày Việt Nam không chỉ phải nhập khẩu nguyên phụ liệu sản xuất, mà máy móc thiết bị sản xuất sử dụng trong ngành cũng đều phải nhập khẩu. Bên cạnh đó, năng lực kỹ thuật và thiết kế để xây dựng thương hiệu và các dây chuyền sản phẩm của các doanh nghiệp nội địa còn yếu. Mặc dù lao động giá rẻ nhưng hầu hết đều là công nhân phổ thông với tay nghề hạn chế, ý thức chưa cao và năng suất lao động thấp.

Song, mặc dù kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng trưởng mạnh, nhưng các doanh nghiệp nội địa tương đối yếu thế bởi các doanh nghiệp FDI chiếm tới gần 80% tỷ trọng xuất khẩu. Một phần nguyên nhân của thực tế này là bởi vì xuất phát điểm của ngành da giày Việt Nam là gia công xuất khẩu. Thêm vào đó, doanh nghiệp nội chưa đủ lực về vốn, kinh nghiệm, máy móc, thị trường đầu ra nên khó có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI mà chỉ có thể cùng nhau phát triển.

Hướng khắc phục

Để khắc phục những khó khăn trên, các doanh nghiệp da giày Việt Nam cần chủ động hơn trong việc tham gia sản xuất, tự chủ nguồn cung nguyên liệu, đồng thời cần đầu tư một cách nghiêm túc vào chiến lược nghiên cứu, nắm bắt thị hiếu tiêu dùng, nâng cao hơn nữa giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu. Cùng với đó, các doanh nghiệp phải đầu tư và nâng cao về công nghệ để có thể sản xuất được các sản phẩm có chất lượng cao, đa dạng về kiểu dáng, mẫu mã, và đặc biệt là phải xây dựng được thương hiệu riêng cho mình. Ngoài ra, để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững, nhà nước cần tăng cường cung cấp thông tin giúp cộng đồng doanh nghiệp nhận thức đầy đủ những cơ hội và thách thức trong bối cảnh hội nhập kinh tế.

Xem thêm Ngành da giày Việt Nam tự chủ nguyên liệu sản xuất https://banuli.vn/tu-chu-nguyen-lieu-san-xuat-phat-trien-ben-vung-cho-nganh-da-giay-viet-nam.html 

Tag :